Nhu cầu cơ bản của trẻ 0-6 tuổi: nhu cầu bảo tồn

Hoa-sen-nho
Sao con lại không ăn hết cơm?
Sao con bướng bỉnh thế!
Sao lại ngốc thế hả?
….
Trở thành bố mẹ là một bước ngoặc lớn trong đời người, thế nhưng chắc hẳn có nhiều lúc bạn đã từng mất bình tĩnh và quát mắng con trẻ khi chúng quá bướng bỉnh, dùng đòn roi để đánh và phạt con đến khóc thét.
Việc nổi giận với con trẻ không những không giúp bạn thư thái hơn mà còn có thể tạo những vết thương tâm lý ở trẻ. Cảm xúc sợ hãi không phải là cách khiến trẻ đi vào nề nếp, mà ngược lại còn có thể làm trẻ ương bướng hơn.
Mọi hành động như phạt đòn roi, dọa dẫm, lớn tiếng, quát mắng đều là do chúng ta chưa đủ thấu hiểu con. Trẻ dưới 6 tuổi chưa đủ ngôn ngữ và nhận thức để diễn đạt điều chúng muốn, vì thế bạn cần “trở về thời thơ ấu” và tập đứng ở vị trí bé nhỏ ấy, để nhìn mọi việc bằng con mắt trẻ thơ và hiểu nhu cầu và tâm lý của con trong độ tuổi này là gì.
Việc thấu hiểu nhu cầu của trẻ sẽ giúp bạn luôn theo sát để định hướng và đồng hành cùng con trên quãng đường trưởng thành thật hiệu quả.
Dưới đây là nhu cầu đầu tiên bạn cần biết NHU CẦU BẢO TỒN:

A. VỀ SINH LÝ:

Đói thì ăn, buồn ngủ thì đi ngủ, muốn chơi sẽ chơi, khát nước sẽ đòi được uống nước.
Như Trái đất tự xoay quanh Mặt Trời, con người cũng có nhu cầu cơ bản này. Chúng ta không thể tồn tại được nếu thiếu mất những nhu cầu này, đứa trẻ cũng vậy, đây là nhu cầu rất cơ bản của con và hãy yên tâm đi, con sẽ tự đòi hỏi được cung cấp khi con muốn.
Khi hiểu được điều này, chúng ta có thể thoát khỏi áp lực phải ép con ăn, bắt con nín khóc, bắt con đứng im, bắt con đi ngủ ngay. Chúng ta cũng ít đặt áp lực lên thầy cô giáo phải bắt con ăn thật nhiều…
Việc của ta không phải là đưa cho trẻ nhu cầu mà chúng ta mong muốn mà là giúp trẻ nói ra nhu cầu đó: “Mẹ ơi, con muốn ăn cơm; Bố ơi, con muốn chơi xe lửa!”.
Ví dụ: Khi sinh đứa con đầu, do mẹ rất áp lực về vấn đề ăn của con nên áp đặt con phải ăn theo nhu cầu của mẹ, thế nhưng con vẫn còi cọc mặc dù mẹ chăm sóc nhiều. Đến khi mẹ sinh con thứ hai, mẹ không chăm sóc “kỹ” như bạn nhỏ đầu tiên, cũng do mẹ đã hiểu ra nhu cầu này nên không áp đặt nữa, kết quả là con mạnh khỏe, mập mạp hơn, vì con tự biết đòi hỏi khi con cần và tâm lý thoải mái hơn. Việc của mẹ là quan sát và lắng nghe nhu cầu của con.

B. VỀ TINH THẦN

Đối với trẻ dưới 6 tuổi, mọi thứ trong thế giới này đều rất mới mẻ và lạ lẫm. Chúng sẽ luôn bám víu vào bất cứ ai xung quanh để tìm kiếm sự an toàn.
Vì thế nhu cầu được yêu thương, được âu yếm chở che trở thành một trong những lý do để đứa trẻ tồn tại. Bình yên trong vòng tay của mẹ là nhu cầu mà đứa trẻ nào cũng mong muốn.
ĐỪNG LẤY YÊU THƯƠNG LÀM HÌNH PHẠT CHO CON
Đã là nhu cầu tự nhiên của mỗi con người, thì chúng ta không thể lấy chúng ra làm hình phạt với trẻ như “con không được ăn, con không được ngủ”.
Không lấy sự chia cắt tình yêu thương làm hình phạt: “Con không ăn hết thì mẹ sẽ không chơi với con”.
Không dùng những câu nói mang tính sát thương, đem tình yêu thương ra để trao đổi với con: “Con mà khóc nữa thì mẹ không yêu con”.
Những câu nói này sẽ khiến đứa trẻ bé bỏng của bạn vô cùng đau đớn, chúng sẽ mất đi sự bám víu vốn có, cảm thấy suy sụp vì tình yêu thương đã mất, người mẹ nâng đỡ không còn thương chúng nữa…Vết hằn có thể theo con suốt đời, như một cơn địa chấn tiềm ẩn trong não bộ non nớt.
Thay vào đó, khi trẻ mắc lỗi, chúng ta nên giải thích cho trẻ vì sao, và hướng dẫn cho trẻ cách làm đúng. Hãy cố gắng cho mình một khoảng hòa hoãn, học cách im lặng và mỉm cười trước sự bướng bỉnh của con. Nếu không thể ngăn được ngọn lửa nổi giận bên trong bạn, hãy cố gắng cho mình vài phút thoát khỏi con để bình tĩnh lại, điều chỉnh cảm xúc của bản thân trước khi nói chuyện với con. Đừng để “ngọn lửa” của bạn làm “cháy” tất cả mọi thứ của đứa trẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *